Khoa Điện tử và Kỹ thuật máy tính
1. Quá trình hình thành và phát triển:
Khoa Điện tử, tiền thân là bộ môn Điện tử thuộc khoa Điện- Điện tử; Được thành lập theo quyết định số 769/QĐ-ĐHKTKTCN ngày 31 tháng 12 năm 2015. Cùng với sự phát triển của Nhà trường, lực lượng giảng viên trong khoa đều có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cả trong và ngoài nước; 95% giảng viên trong khoa có học vị là thạc sĩ và tiến sĩ. Hằng năm, khoa Điện tử đã đào tạo hàng trăm kỹ sư hệ đại học chính quy và cử nhân cao đẳng, góp phần không nhỏ trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ lao động tri thức tại Việt Nam.
Những năm vừa qua, Khoa Điện tử đã dần khẳng định được uy tín về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử – viễn thông và máy tính trong Bộ Công thương; ngày càng tự tin vững bước hội nhập với khu vực. Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông và Công nghệ kỹ thuật máy tính là một trong những ngành đào tạo được Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp lựa chọn đầu tư để phát triển dần tiếp cận và đạt trình độ quốc tế.
Với hệ thống các xưởng thực hành, các phòng thí nghiệm chất lượng tại cơ sở Hà Nội và Nam Định với hàng trăm mô hình giáo cụ, module thực hành truyền thống và hiện đại, sinh viên sẽ có cơ hội thực hiện các công tác thực tập cơ bản và thực tập chuyên sâu dựa theo chương trình các ngành đào tạo của Khoa.
2. Những thành tích đã đạt được
Khoa Điện tử luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động phong trào do Nhà trường tổ chức. Đồng thời, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử -viễn thông, Công nghệ kỹ thuật máy tính luôn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa về học tập, nghiên cứu khoa học và đã gặt hái được nhiều thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt, với việc hưởng ứng cuộc thi sáng tạo Robocon hàng năm Khoa Điện tử đã cử cán bộ giáo viên, các em sinh viên tham gia và đã đạt những thành tích khả quan trong sân chơi này, có thể kể đến như giải ba vòng trung kết Robocon toàn quốc vào năm 2014.
– Tham gia cuộc thi tay nghề Bộ Công Thương và đạt giải khuyến khích năm 2012, giải ba năm 2014.
– Giải ba Robocon Techshow với sản phẩm Robot dáng người năm 2013.
– Tham gia cuộc thi xe sinh thái do Honda tổ chức năm 2014.
– Đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào nghiên cứu khoa học giáo viên và nghiên cứu khoa học sinh viên.
3. Cơ cấu tổ chức:
Lãnh đạo đơn vị:
Stt |
Họ và tên |
Chức vụ |
|
Điện thoại |
1 |
TS Bùi Huy Hải |
Bí thư chi bộ, Trưởng khoa |
|
|
2 |
Th.S Châu Thanh Phương |
Phó trưởng khoa |
|
Bộ môn trực thuộc:
Bộ môn Kỹ thuật viễn thông
Phụ trách bộ môn: TS Nguyễn Thị Hồng Nhung
Phó bộ môn: Th.S Đặng Thị Hương Giang
Bộ môn Kỹ thuật Điện tử
Phụ trách bộ môn: TS Bùi Huy Hải
Phó bộ môn: Th.S Nguyễn Mai Anh
Tổ công đoàn:
Tổ trưởng công đoàn cơ sở Hà Nội: Th.S Nguyễn Mai Anh
Tổ trưởng công đoàn cơ sở Nam Định: Th.S Trần Thị Hường
Liên chi đoàn khoa Điện tử:
Bí thư liên chi đoàn khoa: Th.S Trần Thu Hương
Phó bí thư liên chi đoàn khoa: Th.S Vũ Anh Nam
4. Chức năng nhiệm vụ
– Chức năng: Khoa Điện tử là đơn vị trực thuộc trường có chức năng tham mưu, giúp việc cho Hiệu trưởng triển khai thực hiện các nội dung công tác: Quản lý chuyên môn về đào tạo ngành Điện tử viễn thông và Kỹ thuật máy tính, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập; quản lý đội ngũ giảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của ngành đã được phân công.
– Nhiệm vụ:
Quản lý và phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển chương trình đào tạo, nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế;
Xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy ngành Điện tử viễn thông và Kỹ thuật máy tính; tổ chức thực hiện và quản lý quá trình đào tạo ngành phụ trách theo kế hoạch chung của nhà trường;
Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và các hoạt động khoa học và công nghệ đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Điện tử; chủ động khai thác các Dự án hợp tác về đào tạo (nếu có); phối hợp với các tổ chức khoa học – công nghệ, cơ sở sản xuất kinh doanh để gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;
Tổ chức công tác biên soạn giáo trình giảng dạy ngành phụ trách; không ngừng nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo;
Quản lý và khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị được nhà trường giao; đề xuất kế hoạch bổ sung, mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ dạy – học, thực hành, thực tập ngành CN kỹ thuật Điện tử và CN Kỹ thuật máy tính;
Phối hợp với các phòng chức năng thu thập thông tin về việc làm của sinh viên ngành CN kỹ thuật Điện tử và CN kỹ thuật máy tính sau khi tốt nghiệp để được tư vấn giúp việc cho Hiệu trưởng hoạch định chính sách về tuyển sinh và đào tạo;
Phối hợp các doanh nghiệp cùng các đơn vị trong và ngoài trường trong đào tạo, hội thảo khoa học cùng sinh hoạt chuyên môn;
Điều hành định hướng hoạt động câu lạc bộ chuyên ngành, tổ chức cho sinh viên các hoạt động thực tập, kiến tập, trải nghiệm thực tế nhằm mục đích gắn giảng dạy với thực tiễn, tạo cơ hội cho người học mở rộng kiến thức trong học tập cũng như ngoài xã hội.
5. Năng lực chuyên môn
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông
Hiện nay, Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông trang bị cho sinh viên nhiều các kiến thức thực tế phù hợp với nhiều ngành nghề khác nhau trong đời sống xã hội. Tuỳ vào từng lĩnh vực mà ngành sẽ tham gia vào những vai trò khác nhau.Theo xu hướng hiện nay thì Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông có nhiều ứng dụng ở các lĩnh vực:
+ Nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, các thiết bị Điện tử, Viễn thông
+ Lĩnh vực mạng, viễn thông
+ Lĩnh vực định vị dẫn đường
+ Lĩnh vực điện tử y sinh
+ Lĩnh vực nhận dạng và tự động điều khiển
Ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính
Ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính là ngành học kết hợp kiến thức chuyên môn của cả hai lĩnh vực phần cứng điện tử và thiết kế phần mềm. Do vậy, các kiến thức đào tạo sẽ liên quan đến lĩnh vực thiết kế mạch số, vi xử lý, lập trình điều khiển thiết bị; Đặc thù phục vụ cho nền công nghiệp 4.0 và chuẩn bị cho hội nhập xã hội 5.0, lĩnh vực đào tạo này sẽ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính sẽ được trang bị các nhóm kiến thức chính:
– Lập trình nhúng: viết phần mềm điều khiển thiết bị, lập trình hệ thống (Assembly, driver, firmware, C++, Python, Java …..); viết phần mềm ứng dụng trên thiết bị; đặc biệt trú trọng những hệ thống nhúng tích hợp AI.
– Thiết kế phần cứng hệ thống: thiết kế vi mạch số, mạch tích hợp trong các thiết bị điện tử, các thiết bị điều khiển bằng máy tính, Robot….
– Thiết kế, triển khai các hệ thống mạng: Xây dựng, tư vấn triển khai ứng dụng mạng; quản trị hệ thống mạng; tư vấn, hỗ trợ bảo mật hệ thống.
– Lập trình di động: sử dụng những ngôn ngữ lập trình để viết, phát triển những ứng dụng để gia tăng tới mức tốt nhất tiện ích cho thiết bị di động mà người dùng đang dùng với hai hệ điều hành được sử dụng phổ biến hiện nay là iOS và Android.
Ngoài ra, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế nhằm vận dụng hiệu quả và từ đó phát huy tính sáng tạo trong họat động nghề nghiệp.
6. Định hướng phát triển
Trong thời kỳ hội nhập, đón sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 và định hướng đến nền công nghiệp 5.0; tập thể giảng viên khoa Điện tử sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống đã đạt được, nỗ lực học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện phẩm chất đạo đức tác phong Nhà giáo, quyết tâm xây dựng Khoa Điện tử thành một tập thể vững mạnh, giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của Trường Đại học Kinh tế- Kỹ thuật Công nghiệp.
Hướng tới mục tiêu phát triển công tác đào tạo cán bộ, nhân lực kỹ thuật có trình độ, chất lượng cao để cung cấp cho nền công nghiệp 4.0 và 5.0, đồng thời khoa Điện tử tập trung vào các mục tiêu đổi mới trọng tâm có tính định hướng dài hạn, bao gồm:
– Đổi mới và hoàn thiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm xây dựng một môi trường làm việc khoa học, cởi mở cho các cán bộ, giảng viên trong khoa.
– Bổ sung và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý vừa có tâm, vừa có tầm đáp ứng được các yêu cầu trong đào tạo, nghiên cứu của giai đoạn mới.
Xây dựng cơ sở vật chất bao gồm: các xưởng thực hành, các phòng thí nghiệm đa dạng, phù hợp với mục tiêu giảng dạy, đồng thời phù hợp với sản xuất kính doanh.
– Tăng cường hợp tác, trao đổi quốc tế trong các hoạt động đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, đào tạo kỹ năng chuyên sâu, tổ chức hội thảo và nghiên cứu khoa học.
– Xây dựng mô hình hợp tác sản xuất, đào tạo dịch vụ theo nhu cầu xã hội trên cơ sở các trang thiết bị, nhà xưởng hiện đại sẵn có.
Định hướng nghề nghiệp
Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các thiết bị và hệ thống Điện tử viễn thông là thành phần cơ bản của hệ thống cơ sở hạ tầng và hầu hết chúng ta ai cũng sử dụng thiết bị hoặc hệ thống do ngành Điện tử – Viễn thông cung cấp. Chính vì vậy, kỹ sư Điện tử – viễn thông sẽ được làm việc tại các công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các công ty viễn thông truyền số liệu, các công ty điện thoại di động, các công ty truyền tin, vô tuyến truyền hình, truyền hình cáp, truyền hình qua hệ thống vệ tinh, các công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh các dịch vụ Điện tử Viễn thông v.v…
Theo đánh giá của các nhà hoạch định chiến lược thì ngành Điện tử – Viễn thông đang là ngành có tăng trưởng cao nhất hiện nay. Tăng trưởng của ngành viễn thông đã đưa Việt Nam đứng vào top 10 các quốc gia phát triển ITC-công nghệ thông tin và truyền thông, trên thế giới.
Hiện nay các mạng mới như Vietnammobi, EVN Telecom hay Vietel đang phát triển thị trường sang Lào nên đang cần rất nhiều kỹ sư trong ngành. Các nhà máy của Samsung, LG (Hàn quốc), Intel, Micosoft (Mỹ) , Panasonic, Canon, Renesas (Nhật )… khi bước vào giai đoạn hoạt động cần một nguồn nhân sự rất lớn trong lĩnh vực Máy tính – Điện tử.
Theo thống kê khảo sát chung về nhân lực – việc làm ngành Điện tử Viễn thông, chiếm tỉ lệ cao nhất là làm việc tại các công ty, tập đoàn quốc tế (Samsung, LG, Canon, Microsoft, Intel, Renesas, LSI, SDS, Shinko…), sau đó là làm việc tại các công ty nhà nước (VNPT, Viettel, Mobiphone, Vinaphone, VTV, VTC…), đây là hai khu vực chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng có thể trở thành các nhà nghiên cứu, giảng viên cho các trường ĐH-CĐ, Trung cấp nghề, PTTH…
Ngành Công nghệ kỹ thuật Máy tính
Theo “Chiến lược phát triển Điện tử – CNTT của Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, Kỹ thuật Máy tính là một trong những công cụ quan trọng hàng đầu để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay các công ty lớn đã bắt đầu tham gia đầu tư phát triển hệ thống nhúng ở Việt Nam: Intel, IBM, Altera, Esilicon, các công ty Nhật bản, Hàn Quốc… Thế giới hiện tại đang chuyển mình với các thiết bị yêu cầu ngày càng thông minh và nhỏ gọn hơn: xe hơi thông minh, điện thoại thông minh, áo thông minh, chìa khóa thông minh… Các hệ thống điều khiển dần chuyển sang các hệ thống điều khiển thông minh cả trong hoạt động công nghiệp và đời sống. Chính vì vậy, trong tương lai gần nhu cầu nhân sự về kỹ thuật máy tính chắc chắn tăng cao.
Sau khi ra trường, kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật Máy tính tại Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, sinh viên có thể làm các công việc yêu cầu các mảng kiến thức – kỹ năng về lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo; thiết kế phần cứng hệ thống, thiết kế các hệ thống điều khiển; triển khai các hệ thống mạng trong các công ty; triển khai các hệ thống an toàn và bảo mật; hoặc trở thành nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có ngành nghề phù hợp.
7. Liên hệ
Khoa Điện tử
Cơ sở Hà Nội: Phòng 802 – Nhà HA10 – 218 Lĩnh Nam – Hoàng Mai – Hà Nội.
Cơ sở Nam Định:Tầng 4 – Nhà NA2 – 353 Trần Hưng Đạo – TP. Nam Định.
Email: [email protected]
Website:http://www.khoadientu.uneti.edu.vn